Trang nhất
  Xã Luận
  Đọc Báo Trong Nước
  Truyện Ngắn
  Kinh Tế
  Âm vang sử Việt
  Tin Thể Thao
  Y Học
  Tâm lý - Xã hội
  Công Nghệ
  Ẩm Thực

    Diễn Đàn Biển Đông
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ lên tiếng vụ tàu Philippines bị tàu Trung Quốc phun vòi rồng
    Hình Ảnh Quê Nhà - Video Clip
Nồng ấm Tết cổ truyền dân tộc Khmer Chôl Chnăm Thmây
    Tin Thế Giới
4 tiểu đoàn Chechnya chuẩn bị tấn công vào Sumy?
    Tin Việt Nam
Việt Nam sẽ tích cực thúc đẩy các chương trình hợp tác thực chất giữa ASEAN-Anh
    Tin Cộng Đồng
Vụ cháy trung tâm thương mại tại Ba Lan: Nhiều gian hàng của người Việt bị thiệt hại nặng nề
    Tin Hoa Kỳ
Đổi màu mau lẹ
    Văn Nghệ
Huế
    Điện Ảnh
Tổng thống Joe Biden trao huân chương cho Dương Tử Quỳnh tại Nhà Trắng
    Âm Nhạc
Westlife thông báo trở lại Việt Nam với 2 đêm diễn tại Hà Nội
    Văn Học
'Cần thực chất trong giáo dục để tạo ra những công dân trẻ có tư duy sáng tạo và phản biện'

Thông Tin Tòa Soạn

Tổng biên tập:
Tiến Sĩ
Nguyễn Hữu Hoạt
Phụ Tá Tổng Biên Tập
Tiến Sĩ
Nhật Khánh Thy Nguyễn
Tổng Thư ký:
Quách Y Lành




   Y Học
Cúm đang dữ
Khổ thực, mùa Đông, có năm nào cúm nó thương tình, đi chơi chỗ khác không đến cho chúng ta nhờ! Thường nó lẻn đến tháng 12, đánh lẻ tẻ, rồi ra tay mạnh vào tháng Giêng, nhưng năm nay nó lạ, mãi tháng 3 này mới nhiều, và có lẽ còn đang trên đường tiến tới đỉnh cao ác liệt. Bao người cơ cực vì nó.

Cúm (Influenza) gây do siêu vi trùng cúm “Influenza” (Influenza virus), hoành hành từ tháng 12 tới khoảng tháng 4 mỗi năm. Ta phân biệt “cúm” (nôm na là “flu”) với “cảm” (cold). Cảm xảy ra quanh năm, so với cúm hiền hơn nhiều, gây bởi những siêu vi ít hung dữ bằng siêu vi cúm.

Cúm năm nào cũng đến, song mức độ lan tràn và nặng nhẹ mỗi năm mỗi khác. Những trận dịch cúm lớn, khắp toàn thế giới, cứ 10 đến 15 năm lại xảy ra một lần, kể từ trận dịch lớn năm 1918-1919. Trận dịch toàn cầu năm 1957 làm chết hơn 70.000 người riêng tại Mỹ, chưa kể các nơi khác trên thế giới. Con số người chết bởi các trận dịch lẻ tẻ giữa những trận dịch lớn toàn cầu cũng không phải nhỏ. Những năm gần đây ở Mỹ, mỗi mùa Đông, cúm giết hại 36.000 người, khiến trên 100.000 người phải vào nhà thương. 80-90% số người chết vì cúm ở vào tuổi trên 65. Thứ đến là những vị mang các bệnh kinh niên.

Mức độ tấn công của cúm có thể lên đến 20-30% (tức cứ 10 người, đến 2-3 người bị cúm). Có gia đình cả nhà thay nhau bịnh hết.




Siêu vi trùng cúm gian manh, mỗi năm chúng có thể đổi khác đi cái vỏ bọc bên ngoài của chúng. Vỏ quít dày có móng tay... cố nhọn, mỗi năm người ta lại chế thuốc chích ngừa cúm khác đi, với hy vọng sẽ ngừa được dịch cúm sắp xảy ra trong mùa Đông năm đó. Siêu vi cúm có 3 dòng: A, B và C. Dòng cúm A hung dữ nhất, từng gây những trận dịch nổi tiếng thế giới.

Cảm thì quanh quẩn quanh năm, cúm gần như chỉ xảy ra vào mùa Đông. Vậy, cúm ở đâu, cuối năm mới về góp mặt, vui... Đông, đón Tết? Một giả thuyết cho rằng quanh năm, siêu vi cúm luôn có ở một số người trên khắp thế giới, nhưng… nằm chơi sơi nước, không gây triệu chứng, chờ đến mùa Đông mới ra tay hoành hành. Một giả thuyết nữa: vào các mùa khác, siêu vi cúm trốn ở các súc vật, nghỉ dưỡng sức, vào Đông mới vươn vai tỉnh giấc, và lây sang người.

Siêu vi cúm ẩn trong nước mũi, nước miếng người bệnh. Bệnh truyền từ người bị cúm sang người chưa nhiễm khi những hạt nước nhỏ li ti có chứa siêu vi cúm, bắn ra từ mũi, miệng người bệnh khi họ ho, hắt hơi. Bắt tay, ôm nhau cũng có thể truyền bệnh. (Mùa này, khi cúm đang dữ, gặp nhau, thay vì tay bắt mặt mừng, choàng vai bá cổ, chúng ta chỉ nên hích nhẹ vai nhau?!). Trong nhà có người đang cúm, bạn khó tránh lây bệnh. (Đang cúm, ho, hắt hơi, bạn nhớ che miệng, mũi bằng mặt trong khuỷu tay, để tránh lây bệnh người khác).



Triệu chứng



Thời gian từ lúc mới lây bệnh đến lúc bệnh phát ra ngắn, chỉ khoảng 18-72 tiếng đồng hồ. Khác với cảm, triệu chứng của cúm rất đột ngột, nhiều người có thể nói đích xác mình bắt đầu có triệu chứng vào đúng lúc nào.

Đang tự dưng, bạn bỗng nhiên nhức đầu, nóng sốt (thường trên 38.3 độ C hay 101 độ F), ớn lạnh, yếu mệt, khó chịu trong người, nhức mỏi các bắp thịt. Đi kèm là các triệu chứng hô hấp: sổ mũi, rát cổ họng, ho khan, tức vùng giữa ngực. Mắt cũng cay nóng (burning), khó chịu lúc nhìn ánh sáng, đau khi đảo mắt. Cúm nặng có thể gây mê sảng. Nóng sốt lên cao nhất trong vòng 24 tiếng đầu (nhiều trường hợp đến 41 độ C), rồi giảm dần trong vòng 2-3 ngày sau. Thỉnh thoảng, cũng có trường hợp nóng sốt kéo dài cả tuần. Nhức đầu thường dữ dội, làm ta khó chịu nhất. Các bắp thịt toàn cơ thể nhức mỏi như dần, nhất là ở lưng dưới và chân. Có người đau cả các khớp xương. Ôi, bị cúm, đời đáng chán!

Không có biến chứng, các triệu chứng giảm dần trong vòng 3 đến 5 ngày, nhưng thời gian hồi phục để có thể trở lại làm việc như trước thường chậm hơn khi bị cảm, mất nhiều ngày hay nhiều tuần, nhất là ở người lớn tuổi. Nếu ho, cái ho của bạn có thể kéo đến 2 tuần, thay vì 1 tuần 10 ngày như khi cảm.

Vị nào đã chích ngừa cúm, nếu không may... vẫn bị cúm, triệu chứng thường nhẹ hơn so với người không chích ngừa.



Biến chứng



Triệu chứng cúm tuy khó chịu thực, song cúm không nguy hiểm vì các triệu chứng của nó. Những biến chứng (complications) của nó mới nguy hiểm. Biến chứng xảy ra nhiều nhất là sưng phổi (pneumonia). Siêu vi cúm, dữ hơn các siêu vi cảm, làm tổn thương niêm mạc (mucosa) lót lòng các ống phổi. Sưng phổi do chính siêu vi cúm gây ra, hoặc do các vi trùng (bacteria) luôn có sẵn trong đường hô hấp. Các vi trùng này thường ngày vẫn sống chung hòa bình với ta không sao, nay nước đục thả câu, bám vào những chỗ niêm mạc bị siêu vi cúm làm tổn thương, tấn công luôn, gây sưng phổi. Biến chứng sưng phổi hay xẩy ra ở các vị lớn tuổi, hoặc những người có bệnh tim, bệnh phổi kinh niên.




Biến chứng nguy hiểm khác là hội chứng Reye (Reye syndrome) ở trẻ em. Hội chứng Reye hay xảy ra nhất trong khoảng tuổi 2 đến 16, vài ngày sau khi bị cúm. Lúc các triệu chứng của cúm có vẻ như đang bớt dần, trẻ đột nhiên buồn nôn và ói mửa. Sau đó khoảng 1-2 ngày, trẻ lờ đờ hoặc mê sảng, giật kinh phong (seizure), rồi đi dần vào hôn mê và có thể chết. Trước kia, khi người ta chưa biết nhiều về hội chứng Reye, tử vong lên đến hơn 40% (cứ 10 trẻ có hội chứng Reye, hơn 4 trẻ chết). Ngày nay, dù với sự định bệnh mau chóng và với các cách chữa trị thích ứng, tử vong vẫn còn khoảng 10% (10 trẻ bị, 1 trẻ chết). Cơ chế gây ra hội chứng Reye ở trẻ em bị cúm hiện chưa được biết rõ. Tuy nhiên, người ta nhận thấy các trẻ em nhiễm cúm, nếu dùng Aspirin, sẽ dễ bị hội chứng Reye hơn các trẻ không dùng Aspirin. Hội chứng Reye nay đã giảm đi nhiều, kể từ khi các bậc phụ huynh được báo động, không còn dùng Aspirin cho các trẻ em cảm hay cúm.

Các biến chứng khác của cúm: viêm ống phổi, viêm xoang quanh mũi, viêm các bắp thịt, cơ tim, óc, ... Ngoài ra, ở những vị đang mang bệnh tim, phổi hoặc thận kinh niên, cúm có thể làm các cơ quan này, vốn đã yếu sẵn, thành suy yếu hơn, đe dọa tánh mạng người bệnh.



Chữa trị



Sự chữa trị cúm, trong những trường hợp không có biến chứng, gồm các phương cách giúp người bệnh đỡ khổ sở vì các triệu chứng, trong lúc chờ cho cơn cúm đi qua.

Trụ sinh (antibiotics) vừa tốn kém, lại chẳng ăn thua, không làm cúm sợ và đi mau hơn. Trụ sinh chỉ diệt được vi trùng (bacteria), không có kết quả trong những bệnh gây do siêu vi trùng (virus) như bệnh cúm. Chúng... “siêu” hơn vi trùng, nên không sợ trụ sinh. (Các tài liệu y học, vẫn luôn đưa ra lời kêu gọi, yêu cầu các bác sĩ không nên dùng trụ sinh để chữa cảm, cúm). Việc sử dụng trụ sinh chỉ cần thiết, khi đã có các biến chứng (complications) do vi trùng, như sưng phổi, viêm tai giữa (otitis media), viêm các xoang quanh mũi (sinusitis). Các khảo cứu cho thấy, nếu dùng sớm, trụ sinh cũng không ngăn ngừa được các biến chứng. Và một khi biến chứng xảy ra, than ôi, vi trùng đã kháng, đã lờn mặt loại trụ sinh đang sử dụng. Dĩ nhiên cần đổi trụ sinh, có khi phải dùng một loại khác độc hại hơn, đắt tiền hơn, làm thủng túi tiền bạn.




Ta nên nghỉ ngơi và uống thêm các thức uống để cơ thể khỏi thiếu nước, nếu có sốt cao. Ta dùng Tylenol hay các thuốc như Aspirin, Advil, Nuprin, Aleve (mua không cần toa bác sĩ) để hạ sốt, bớt nhức đầu, đau mỏi các bắp thịt. Dùng Tylenol an toàn nhất. Aspirin, Advil, Nuprin, Aleve, ... có thể gây chảy máu đường tiêu hóa ở người lớn. Nhất là, nên tránh dùng Aspirin cho các trẻ em dưới 19 tuổi, để tránh hội chứng Reye. Thuốc ho, thuốc sổ mũi, nghẹt mũi hữu dụng trong trường hợp có ho hoặc sổ, nghẹt mũi.

Hiện có hai thuốc thường được sử dụng để chữa cúm gây do siêu vi trùng A: Amantadine và Rimantadine. Nếu uống ngay trong vòng 48 tiếng kể từ khi bắt đầu có triệu chứng, Amantadine và Rimantadine khiến các triệu chứng cúm mau thuyên giảm (rút ngắn thời gian đau khổ vì cúm khoảng 50%). 5-10% người dùng Amantadine cảm thấy bứt rứt, căng thẳng, khó ngủ hoặc khó tập trung tư tưởng. Các triệu chứng này sẽ chóng hết khi ta ngưng Amantadine. Rimantadine ít gây phản ứng phụ hơn Amantadine, song đắt hơn. Trong mùa cúm, nếu bỗng nhiên nóng sốt, bạn nên nghĩ: “Chết cha, chắc bị cúm rồi”, và đi bác sĩ sớm trong vòng 48 tiếng (2 ngày), để có toa mua thuốc Amantadine hoặc Rimantadine. Chớ mất thì giờ... cạo gió, thoa dầu, vừa đau, vừa nặng mùi, lại chẳng ăn thua (bạn có biết, vào nhà thương, vị nào thoa dầu, bác sĩ và y tá thường họ khám cho nhanh, rồi vội lảng ra xa, vì... không chịu nổi mùi dầu!).




Hai thuốc mới Rilenza và Tamiflu trị được cả cúm A lẫn cúm B. Hai thuốc này khá đắt, và cũng phải dùng ngay trong vòng một hai ngày đầu khi cúm vừa đến thăm, mới mong có hiệu quả.

Bạn đang bị cúm (hay lúc bị cảm), nóng lòng muốn “chích thuốc” để cúm mau hết. Muốn chiều lòng bạn lắm, nhưng chích thuốc gì bây giờ? Đúng theo sách vở, các siêu vi trùng cúm, cảm đâu có sợ kim chích, làm gì có thuốc chích để cúm (hay cảm) cuốn gói đi nhanh hơn.



Ngừa cúm



Phương pháp trị cúm hữu hiệu nhất hiện vẫn là chích ngừa cúm hàng năm. Chích ngừa xong, ta không được bảo vệ 100%, nhưng ít ra cũng được 50 đến 80%. Những người trẻ khỏe trong hạn tuổi 5 đến 49 có thể ngừa cúm bằng thuốc xịt Flumist.

* Ai cần được chích ngừa?

Tiểu Ban Cố Vấn về Chích Ngừa (Advisory Committee on Immunization Practices) đề nghị chích ngừa cúm cho các trẻ em (từ 6 tháng trở lên) và những người lớn bị nguy hiểm nếu nhiễm cúm, do cao tuổi hoặc vì đang mang bệnh làm cơ thể yếu sẵn:

- Người lớn trên 64 tuổi, dù không có bệnh gì quan trọng.

- Trẻ em trong khoảng tuổi 6-23 tháng.

- Phụ nữ mang bầu, thai kỳ sẽ vào tháng thứ 4 trở đi khi vào mùa cúm.

- Trẻ em tuy ngoài khoảng tuổi 6-23 tháng và người lớn tuy dưới 65, tuy không mang thai, nhưng đang có các bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh phổi (kể cả bệnh suyễn), bệnh thận, bệnh tiểu đường, thiếu máu nặng, bệnh AIDS, ..., hoặc người đang phải dùng những loại thuốc khiến sức kháng cự của cơ thể suy giảm, như thuốc Prednisone, thuốc chống ung thư.

- Người đang ở trong các viện chăm sóc đặc biệt (nursing homes).

- Người dưới 19 tuổi đang phải dùng Aspirin lâu dài (vì họ có thể bị hội chứng Reye nếu nhiễm cúm).

- Các bác sĩ, y tá và nhân viên y tế, có nhiệm vụ trực tiếp săn sóc những người thuộc các thành phần kể trên, cả người nhà (household contacts) nữa, cũng nên chích ngừa để tránh nhiễm cúm rồi lây lại cho người thuộc các thành phần cần được chích ngừa cúm kể trên.

Ngoài ra, tuy không thuộc các thành phần trên, nhưng sợ cúm dữ, ai trong chúng ta cũng có thể chích ngừa (trừ người nào bị nhạy ứng với trứng, vì chất đệm của thuốc chế từ trứng).

Người trẻ khỏe trong hạn tuổi 5 đến 49 ngừa cúm bằng thuốc xịt Flumist cũng rất hữu hiệu.

* Chích ngừa lúc nào tốt nhất?

Ở Mỹ, thường dịch cúm chỉ bắt đầu vào tháng 12. Cúm tấn công mạnh nhất vào khoảng tháng Giêng (1) và tháng Hai (2), sau đó vẫn còn hoành hành cho đến tháng 4 khi Xuân sang, song với mức độ ít hơn.




1-2 tuần sau khi chích ngừa cúm, cơ thể bắt đầu có kháng thể (antibody) chống cúm. Kháng thể tồn tại trong cơ thể 6 tháng hay hơn. Tuy nhiên, ở một số vị có tuổi, lượng kháng thể giảm xuống dưới mức bảo vệ sau 4 tháng. Thời điểm tốt nhất để chích ngừa cúm, là khoảng tháng 10 đến giữa tháng 11, trước khi cúm đến. Dù vậy, đang trong mùa cúm, rủi chưa chích ngừa, những vị cần được chích ngừa vẫn nên chích, muộn còn hơn không, may ra có cơ còn tránh được cúm.

A, bạn đang nằm đứ đừ trong chăn, lạnh ơi là lạnh, miệng ho liên miên muốn bứt thở, đầu óc lơ tơ mơ có lúc thấy... cửa Thiên Đường, nghĩ giận lũ siêu vi cúm, giận ơi là giận. Bạn biết thế nào là cúm rồi, không còn lẫn giữa cảm và cúm nữa. Bạn lẩm nhẩm, “Cúm quả không thể coi thường, từ nay xin cạch đến già, không lười được, thế nào cũng phải chích ngừa hàng năm trước mỗi mùa cúm”. (Bạn trẻ, khỏe trong hạn tuổi 5 đến 49, có thể dùng thuốc ngừa Flumist.)


BS. Nguyễn Văn Đức

8748 E. Valley Blvd. # H

Rosemead, CA 91770

(626) 288-3306


 


 


Ngừa sưng phổi (Pneumococcus)




Cúm năm nay biết đâu sẽ nặng và nguy hiểm, tuy đến giờ, tình hình có vẻ vẫn còn yên tĩnh. (Cái yên tĩnh trước cơn bão chăng?)

Cho đến giờ, tháng 12, nhiều vị có tuổi hoặc đang mang những bệnh khiến cơ thể yếu sẵn, lẽ ra đã chích ngừa cúm, song vì năm nay thuốc hiếm, nên chưa được chích. Nhiều người trẻ, cẩn thận sợ phải nằm vật ở nhà vì cúm, đâm trở ngại công việc, những năm trước lũ lượt rủ nhau đi chích ngừa, năm nay đành chịu. Đây rồi khi cúm đến, nhiều phần nó sẽ lây lan dữ hơn năm trước.

Cúm nguy hiểm chết người do những biến chứng của nó, trong đó biến chứng sưng phổi xảy ra nhiều nhất. Trong các bệnh sưng phổi, nhiều hơn cả lại là bệnh sưng phổi gây do vi trùng Pneumococcus.




Nói chung, sưng phổi (pneumonia) gây do nhiều thứ lắm: vi trùng (bacteria), siêu vi trùng (virus), có khi ký sinh trùng (parasites), nấm (fungus). Nhưng trong cái đám vô lại có thể gây sưng phổi làm phiền ta đó, vi trùng Pneumococcus là con nổi tiếng nhất, vì đa số các trường hợp sưng phổi tại nó mà ra.

Ở Mỹ không thôi, sưng phổi Pneumococcus (pneumococcal pneumonia) làm chết 40.000 người mỗi năm. Nó là một trong những nguyên nhân hay khiến các vị trên 65 phải rời nhà vào nhà thương, và... có khi không trở về nhà nữa. Những người đang mang sẵn các tật bệnh khiến sức đề kháng của cơ thể suy giảm (chẳng hạn như bệnh AIDS, bệnh thận, ...) cũng dễ bị sưng phổi Pneumococcus.

Từ phổi, vi trùng Pneumococcus có thể vào máu, gây nhiễm trùng máu (bacteremia), rồi theo máu đến gieo họa nơi các cơ quan khác (màng óc, tim, khớp...). Một khi nhiễm trùng máu hoặc sưng màng óc xảy ra, tử vong sẽ rất cao.




Hiện chích ngừa là một cách tốt để phòng bệnh sưng phổi gây do vi trùng Pneumococcus. Theo Viện Cao niên Quốc gia (National Institute of Aging), thuốc chích ngừa sưng phổi Pneumococcus (pneumococcal vaccine) hữu hiệu, tài trợ bởi chương trình Medicare, nhưng tính ra, rất nhiều vị có tuổi hoặc đang mang những bệnh nặng chưa chích ngừa. Chỉ tiêu năm 2.000, Cơ quan Y tế Công cộng (Public Health Service) muốn trên toàn nước Mỹ, ít nhất con số người được chích ngừa phải là 60% (cứ 100 vị cần chích ngừa, bét ra cũng có 60 vị đã được chích). Chích ngừa cúm hàng năm kể từ năm 2000 trở đi cũng rứa. (Nhưng than ôi, năm nay thuốc cúm quá hiếm, không thể đạt chỉ tiêu này rồi).

Vi trùng Pneumococcus không phải chỉ có một con. Chúng có nhiều dòng, tuy cùng một giống. Thuốc ngừa sưng phổi Pneumococcus chứa những chất lấy từ 23 dòng vi trùng Pneumococcus khác nhau. Thuốc chích vào người để kích thích cơ thể ta tạo các kháng thể (antibodies) chống lại những dòng vi trùng này.




Đa số người khỏe mạnh chúng ta, 2-3 tuần sau khi chích ngừa, trong người sẽ có kháng thể chống lại hết hay hầu hết các dòng vi trùng này, giúp ta tránh được bệnh sưng phổi gây do chúng (kết quả bảo vệ 85-95%). Tiếc thay, các vị lớn tuổi và nhiều người đang mang một số bệnh kinh niên không tạo được kháng thể tốt như người còn trẻ khỏe, nên sự bảo vệ của thuốc có kém hơn. Trẻ em dưới 2 tuổi cũng thế.




Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Tật bệnh (Centers for Disease Control and Prevention) đề nghị các bác sĩ chích ngừa sưng phổi Pneumococcus cho những quí vị thuộc các thành phần sau đây, có thể nguy đến tính mạng nếu bị sưng phổi Pneumococcus:

- Các vị từ 65 tuổi, dù không có bệnh gì quan trọng.

- Trẻ em trên 2 tuổi và người lớn dưới 65 đang mang các bệnh kinh niên như bệnh tim, bệnh phổi, thận, tiểu đường, AIDS, ung thư, ..., hoặc người đang phải dùng những loại thuốc khiến sức kháng cự của cơ thể suy giảm, như thuốc Prednisone, các thuốc chống ung thư.

- Người có lá lách (spleen) đã cắt, hoặc lá lách bệnh, nên không làm việc bình thường (lá lách là cơ quan quan trọng tạo các kháng thể chống vi trùng Pneumococcus).

- Người đang ở trong viện chăm sóc đặc biệt (nursing homes).

- Người đã được thay ghép cơ quan (organ transplant recipients), chẳng hạn như thay ghép thận.

- Người xơ gan (cirrhosis), hoặc dù chưa, nhưng nghiện rượu nặng, đích thị đệ tử Thần Ve-chai.

Trên nguyên tắc, một mũi thuốc ngừa sẽ bảo vệ ta suốt đời, song những vị sau đây nên được chích ngừa lại sau 5 năm, do sự bảo vệ nhạt dần theo thời gian: người không còn lá lách (hoặc lá lách bệnh, không làm việc đàng hoàng); người bệnh thận; người bị hội chứng “nephrotic” (nephrotic syndrome: thận không giữ được chất đạm, khiến chất đạm cứ thất thoát ra nước tiểu); người được thay ghép cơ quan; người mang bệnh tắc phổi kinh niên (chronic obstructive pulmonary disease) do hút thuốc lá; các vị nay đến tuổi 65, lần chích trước, nếu có, đã quá 5 năm rồi.

Sau khi chích ngừa, thường ta chỉ hơi đau và đỏ một chút nơi chỗ chích. Có người xui, đau, đỏ nhiều hơn, còn bị nóng sốt và nhức mỏi các bắp thịt (số người gặp xui không nhiều, dưới 1% các trường hợp chích ngừa). Thỉnh thoảng có người xui hơn nữa, bị phản ứng nặng gọi là “anaphylaxis”, gây tình trạng trụy tim mạch (ta đừng vội lo, cứ 1.000.000 người được chích, chỉ có 5 người lỡ có phản ứng nặng).

Năm nay, thuốc chích ngừa cúm hiếm (cũng chỉ vì hãng thuốc Chiron cà chớn bên Anh, cung cấp đến nửa số thuốc chích ngừa cúm chúng ta cần, làm ăn thế nào, bị chính phủ Anh cấm chế thuốc mùa Đông này), biết đâu cúm sẽ nhiều và dữ, đưa đến lắm trường hợp sưng phổi Pneumococcus. Chúng ta tiên liệu trước vẫn hơn.


BS. Nguyễn Văn Đức

8748 E. Valley Blvd., Ste. H

Rosemead, CA 91770

(626) 288-3306

DanQuyen.com
    Phản Hồi Của Độc Giả Về Bài Viết
Họ và Tên
Địa chỉ
Email
Tiêu đề
Nội dung
Gửi cho bạn bè Phản hồi

Các bài viết mới:
    Nữ điều dưỡng: Hạnh phúc vì có thể mang lại điều tốt đẹp cho bệnh nhân (12-05-2024)
    Kỹ năng cứu người đuối nước cần biết (12-05-2024)
    Chuyên gia gợi ý chế độ dinh dưỡng tăng cường tập trung cho con (10-05-2024)
    Có cần xét nghiệm đông máu sau khi tiêm vaccine AstraZeneca? (10-05-2024)
    Phát hiện vi khuẩn Salmonella có trong phân trẻ ngộ độc tại Đồng Nai (06-05-2024)
    Một kiểu dậy sớm gây hại cho cơ thể hơn cả thức khuya (06-05-2024)
    Những người đã tiêm vaccine Covid-19 của AstraZeneca nên làm gì (04-05-2024)
    AstraZeneca lần đầu thừa nhận vắc xin COVID-19 gây đông máu (03-05-2024)
    AstraZeneca thừa nhận vaccine COVID-19 gây đông máu, Bộ Y tế nói gì? (03-05-2024)
    Vụ nôn ói sau ăn bánh mì: Chủ tiệm xài ké giấy phép kinh doanh (03-05-2024)
    Hơn 70 người nhập viện nghi ngộ độc sau khi ăn bánh mì ở Đồng Nai (01-05-2024)
    Mỹ lần đầu ghi nhận cá heo nhiễm cúm gia cầm độc lực cao (30-04-2024)
    Những thói quen xấu gây hại dạ dày người Việt hay mắc phải (20-04-2024)
    Bernard Healthcare đón tiếp chuyên gia ung thư Mỹ, tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế (09-04-2024)
    Vì sao tỷ lệ hiến mô, tạng tại Việt Nam rất thấp và không tăng 10 năm qua? (08-04-2024)
    Nhiều dịch bệnh truyền nhiễm có số mắc cao, Hà Nội yêu cầu giám sát chặt (08-04-2024)
    Ấn Độ ra mắt liệu pháp tế bào CAR-T bản địa đầu tiên để điều trị ung thư (04-04-2024)
    Nữ nhân viên y tế của Bệnh viện E bị chết não, hiến toàn bộ tạng cứu người (04-04-2024)
    Chụp X-quang phát hiện nhiều người trẻ phổi trắng xóa, nguyên nhân vì đâu? (02-04-2024)
    Hàn Quốc: Bác sỹ cấp cao tại các bệnh viện lớn sẽ giảm thời gian làm việc (31-03-2024)

Các bài viết cũ:
    Ho lâu sau cảm, cúm (05-09-2010)
    Chăm sóc da khô mùa Ðông (05-09-2010)
    Củ Hành Tây và Bệnh Cúm (05-09-2010)
    Mệt Mỏi Kinh Niên (30-08-2010)
    Viêm Gan và Ung Thư Gan (30-08-2010)
    Dị ứng năm 2010 ( allergy season ) (28-08-2010)
    Dinh Dưỡng ở Tuổi Già (28-08-2010)
 
"Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam".

Chuyển Tiếng Việt


    Truyện Ngắn
Xa Xóm Mũi


   Sự Kiện

Lời Di Chúc của Vua Trần Nhân Tôn





 

Copyright © 2010 DanQuyen.com - Cơ Quan Ngôn Luận Người Việt Hải Ngoại
Địa Chỉ Liên Lạc Thư Tín:
E-mail: danquyennews@aol.com
Lượt Truy Cập : 153024694.